Khái niệm
Tế bào gốc là tế bào có khả năng biệt hoá thành nhiều loại tế bào khác để thay thế cho các tế bào bị mất đi do già và chết tự nhiên hay do chấn thương vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Quá trình liền vết thương và phục hồi các thoái hoá/tổn thương của các mô, cơ quan trong cơ thể có nhiều cơ chế phức tạp nhưng kết quả cuối cùng là tái lập lại các mô đã bị thoái hoá/tổn thương. Chính các tế bào gốc là lực lượng dự trữ được huy động để tái tạo các tế bào bị tổn thương đó. Vì thế điều trị bằng tế bào gốc chính là để bổ sung nguồn tế bào non trẻ, có thể tạo ra các loại tế bào mới, mô mới bổ sung hoặc thay thế cho các tế bào và mô cơ quan bị tổn thương hay mất chức năng
Phân loại
Các tế bào gốc có thể lấy ra từ phôi, thai, dịch ối, dây rốn, nhau thai, các mô khác nhau của người sau khi sinh cho đến người trưởng thành. Dựa vào nguồn mô lấy ra để phân lập so với giai đoạn phát triển phôi thai và cơ thể người ta chia các tế bào gốc thành các loại sau:
- Tế bào gốc phôi (embryonic stem cells): là các tế bào gốc được lấy từ khối tế bào bên trong của phôi nang 4-7 ngày tuổi. Đây là các tế bào chưa biệt hoá, có tính vạn tiềm năng, có thể phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào của cơ thể.
- Tế bào gốc thai (foetal stem cells): là các tế bào gốc được phân lập từ tổ chức thai sau nạo phá thai. chúng có tiềm năng phát triển thành hầu hết các loại tế bào khác nhau của các mô và cơ quan.
- Tế bào gốc nhũ nhi (infant stem cells): là các tế bào phân lập từ dây rốn, máu dây rốn và từ nhau thai.
- Tế bào gốc trưởng thành (adult stem cells): là các tế bào chưa biệt hoá, được tìm thấy số lượng ít trong các mô của người trưởng thành (tủy xương, máu ngoại vi, mô não, mô da, mô cơ…).
- Tế bào gốc giống tế bào gốc phôi (embryonic like stem cell) hay tế bào gốc vạn tiềm năng cảm ứng (induced plutipotent stem cell) là những tế bào được tạo ra bằng cách cảm ứng các tế bào đã biệt hoá của cơ thể trở lại trạng thái giống như tế bào gốc phôi.
Trong số các nguồn cung cấp tế bào gốc kể trên, việc lấy tế bào gốc từ phôi, thai, dịch ối trước sinh có liên quan đến hủy phôi, nạo phá thai, can thiệp chọc dịch ối trước sinh là những việc làm có liên quan đến các lo ngại về đạo đức và ảnh hưởng bất lợi cho thai nhi;
Việc lấy tế bào gốc từ các mô ở người trưởng thành như tủy xương, máu ngoại vi, nang lông… có những khó khăn về kỹ thuật và hạn chế về số lượng tế bào cũng như chất lượng tế bào gốc vì chúng tương đối “già” hơn so với các tế bào gốc lấy từ phôi và thai.
Tại sao phải lưu giữ tế bào gốc dây rốn
Không ai biết trước một em bé từ khi sinh ra, lớn lên có thể mắc bệnh gì. Khoa học đã chứng minh tế bào gốc có thể thu được từ rất nhiều nguồn khác nhau, tuy nhiên dây rốn trẻ sơ sinh là nguồn cung cấp tế bào gốc lý tưởng vì có khả năng cung cấp nguồn tế bào gốc trẻ, dồi dào, đa dạng, có khả năng phù hợp miễn dịch cao, dùng để chữa trị cho chính bản thân em bé và các người thân trong gia đình có chỉ số sinh học phù hợp với bé.
Lưu giữ lâu dài tế bào gốc là một biện pháp bảo đảm sức khỏe cho con bạn và gia đình bạn trong hiện tại và tương lai như một hình thức “bảo hiểm sinh học”.
Lưu giữ tế bào gốc dây rốn khi em bé vừa chào đời là cơ hội duy nhất, có thể cứu sống một người khi cần đến.