Parent’s Guide to Cord Blood, 10/2020
Liat Ben-Senior, MBA MSc
Nhau thai là huyết mạch kết nối giữa mẹ và con. Đây là cơ quan – nơi đầu tiên mối liên kết này được thiết lập. Các nhà khoa học coi nhau thai là cơ quan còn nhiều bí mật nhất và là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ và thai nhi trong và ngay cả sau khi mang thai. Để vinh danh cơ quan tuyệt vời này, chúng tôi liệt kê 10 sự thật đáng kinh ngạc về nhau thai.
- Nhỏ nhưng phi thường – Có hình dạng giống như một chiếc dù, nhau thai là cơ quan chuyên môn hóa cao giúp hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Nhau thai trung bình có chiều ngang 9 inch (22.86 cm), dày khoảng 1 inch (2.54 cm) và thường chỉ nặng hơn 1 pound (453.59 g). Máu từ mẹ và con đi qua nhau thai nhưng không bao giờ trộn lẫn. Khi đủ tháng, khoảng 20 ounces (591.47 ml) máu của mẹ đi qua nhau thai mỗi phút. Chỉ điều đó thôi đã là rất tuyệt vời (và cũng giải thích tại sao mang thai lại rất mệt mỏi).
- Một cơ quan, nhiều chức năng – Em bé đang phát triển của bạn không ăn uống hay hít thở và chỉ dựa vào nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và oxy từ mẹ. Nhau thai hoạt động như phổi của em bé để cung cấp oxy và loại bỏ carbon dioxide. Nó cũng hoạt động như thận của em bé để lọc các chất thải ra khỏi máu.
- Nhau thai không phải là cơ quan của mẹ – Trên thực tế, nhau thai phát triển từ trứng đã thụ tinh, có nghĩa là giống như em bé, nhau thai được di truyền một nửa từ mẹ và một nửa từ bố. Nhau thai bắt đầu hình thành ngay sau khi trứng đã thụ tinh làm tổ trong thành tử cung khoảng 6 đến 7 ngày sau khi thụ thai, và nó tiếp tục phát triển cùng với em bé của bạn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
- Nhau thai cũng là một tuyến – Nhau thai hoạt động như một tuyến tiết ra các hormone trong suốt thai kỳ, đóng vai trò thiết yếu trong hỗ trợ thai nhi phát triển và chuẩn bị cơ thể bạn cho việc làm mẹ.
- Nhau thai là nhân tố trung gian miễn dịch – Nhau thai giúp hệ thống miễn dịch của mẹ và con “nói chuyện” với nhau mà không xảy ra xung đột. Trong suốt thai kỳ, nhau thai hoạt động để ngăn cơ thể mẹ nhận ra em bé là người lạ và tấn công nó. Trong tam cá nguyệt thứ 3 (được tính từ tuần thứ 28 đến 42 thai kỳ), nhau thai cho phép các kháng thể của mẹ truyền sang con, tạo cho con một hệ thống miễn dịch khởi đầu và sự bảo vệ này kéo dài đến 6 tháng sau khi sinh.
- Cặp song sinh giống hệt nhau có thể dùng chung một nhau thai – Các cặp song sinh phát triển từ hai trứng đã thụ tinh riêng biệt và sẽ luôn có hai nhau thai. Nhưng số lượng bánh nhau giữa các cặp song sinh giống hệt nhau được xác định bởi việc trứng thụ tinh tách ra trước hay sau khi hình thành nhau thai.
- Bạn mang tế bào gốc từ con bạn – Tế bào gốc từ con bạn có thể đi qua nhau thai, và chúng dường như nhắm vào những vị trí mà mẹ bị chấn thương. Thậm chí nhiều năm sau, một số lượng nhỏ tế bào từ những lần mang thai trước có thể được tìm thấy trong da, nội tạng và tủy xương của người mẹ. Hiện tượng này được gọi là “fetomaternal microchimerism”.
- Cơ quan dùng một lần duy nhất – Nhau thai sẽ phát triển trong mỗi thai kỳ để hỗ trợ sự phát triển của em bé. Khi hoàn thành nhiệm vụ, em bé được sinh ra thì nhau thai cũng sẽ được loại ra, đó là lý do tại sao nó được gọi là “sản phẩm sau sinh”.
- Nhau thai chuẩn bị cho cơ thể bạn để cho con bú – Nhau thai sản xuất ra một loại hormone ngăn chặn việc sản xuất sữa mẹ. Sau khi nhau thai được sinh ra, cơ thể mẹ nhận được tín hiệu rằng đã đến lúc sản xuất sữa.
- Nhau thai có thể giúp chúng ta chống lại bệnh ung thư – Nhau thai có một khả năng độc đáo để phát triển và xâm nhập vào cơ thể mẹ mà không bị hệ thống miễn dịch của mẹ tấn công. Khả năng trốn tránh hệ thống miễn dịch này được điều hòa rất cao, và nhau thai biết ngừng xâm nhập trước khi gây hại cho người mẹ. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng sẽ hiểu biết rõ hơn về cách hoạt động của nhau thai sẽ giúp chúng ta chiến thắng các bệnh ung thư né tránh hệ thống miễn dịch.
Nhau thai không chỉ là một cơ quan tuyệt vời trong thời kỳ mang thai, hơn thế nữa, lợi ích của nó còn kéo dài đến hết thai kỳ và có thể mang lại hy vọng kéo dài suốt đời. Nó sẽ chỉ là rác thải sinh học, trừ khi bạn quyết định hiến tặng hoặc lưu trữ tế bào gốc từ nhau thai.
Nguồn: Parent’s Guide to Cord Blood