Science Daily, 19/11/2020
Trong điều trị bệnh bạch cầu, cấy ghép tế bào gốc sau hóa trị và xạ trị thường có thể gây ra các phản ứng viêm có hại nghiêm trọng – đặc biệt là ở da hoặc ở ruột, vì những cơ quan được gọi là hàng rào này thường bị ảnh hưởng hơn. Cho đến nay, lý do của việc này vẫn chưa rõ ràng. Một nhóm các nhà nghiên cứu hiện đã xác định được cơ chế miễn dịch chịu trách nhiệm một phần cho việc này.
Thuật ngữ bệnh bạch cầu được sử dụng để mô tả một nhóm các bệnh lý ác tính của hệ thống tạo máu, trong đó tiền thân của các tế bào bạch cầu (leucocytes) tăng sinh không kiểm soát. Hóa trị và xạ trị được sử dụng để tiêu diệt các tế bào máu bất thường, sau đó chúng được thay thế bởi việc cấy ghép tế bào gốc. Trong bệnh bạch cầu, việc cấy ghép tế bào gốc tủy xương khỏe mạnh hoặc tế bào gốc tạo máu thường là hy vọng phục hồi duy nhất của bệnh nhân. Quá trình này liên quan đến việc “thay thế” tất cả các tế bào máu của người nhận (trước đó đã bị phá hủy bởi quá trình điều trị) bằng các tế bào hiến tặng.
Tuy nhiên, các bác sĩ da liễu của MedUni Vienna đã phát hiện ra rằng có những tế bào T cư trú ở da và không hoạt động trong hệ thống miễn dịch nội sinh, tồn tại nguyên vẹn với hóa trị và xạ trị và tiếp tục tồn tại thêm mười năm nữa giữa và bên dưới các tế bào biểu mô của da, trong khi các tế bào T tuần hoàn bị phá hủy.
“Chúng tôi có thể chứng minh rằng các tế bào T sống sót trong mô da là nguyên nhân gây ra phản ứng viêm sau khi cấy ghép tế bào gốc. Những hiện tượng này thường xảy ra trong vòng 100 ngày đầu tiên và có thể gây ra bất kỳ điều gì từ bệnh eczema nhẹ (bệnh chàm hay còn gọi là viêm da dị ứng) cho đến xơ hóa rộng, cứng da hoặc phồng rộp trên bề mặt da. Nói cách khác, các tế bào T nội sinh tấn công người nhận (vật chủ) sau khi cấy ghép tế bào gốc.” Theo thuật ngữ chuyên môn, tình trạng này còn được gọi là bệnh ghép chống chủ (GvHD), và lần đầu tiên, nghiên cứu này đã xác định được “phản ứng giữa vật chủ và vật ghép” ngược.
Cũng có trường hợp các tế bào T của người hiến tặng tiếp tục “hỗ trợ”, và do đó phản ứng này tăng cường. Những bệnh nhân bị ảnh hưởng được điều trị bằng cortisone, gây thêm gánh nặng cho những bệnh nhân đã bị ức chế miễn dịch sau khi cấy ghép. Nghiên cứu cho thấy ở những bệnh nhân không phát triển bệnh ghép chống chủ, các tế bào T cư trú trong mô còn lại sau khi điều trị thậm chí còn được chứng minh là có lợi cho người nhận, ở chỗ chúng đảm nhận vai trò bảo vệ miễn dịch và bảo vệ chống lại nhiễm trùng.
Trong tương lai, kết quả nghiên cứu mẫu mực có thể dẫn đến các chiến lược điều trị mới giúp tránh hoặc ít nhất là giảm thiểu các phản ứng viêm mạnh mẽ không mong muốn sau khi cấy ghép tế bào gốc bằng cách điều khiển trước các tế bào T không hoạt động của người nhận. Ngoài ra, việc điều khiển các tế bào T cư trú trong mô có thể dẫn đến các phương pháp điều trị mới cho các bệnh viêm da mãn tính khác, chẳng hạn như bệnh vẩy nến hoặc viêm da thần kinh.
Tài liệu tham khảo:
Johanna Strobl, Ram Vinay Pandey, Thomas Krausgruber, Nadine Bayer, Lisa Kleissl, Bärbel Reininger, Pablo Vieyra-Garcia, Peter Wolf, Maaia-Margo Jentus, Margit Mitterbauer, Philipp Wohlfarth, Werner Rabitsch, Georg Stingl, Christoph Bock, Georg Stary. Long-term skin-resident memory T cells proliferate in situ and are involved in human graft-versus-host disease. Science Translational Medicine, 2020; 12 (570): eabb7028 DOI: 10.1126/scitranslmed.abb7028
Nguồn: Medical University of Vienna