Science Daily, 02/06/2022
Theo một nghiên cứu tiền lâm sàng của các nhà nghiên cứu tại Weill Cornell Medicine, các tế bào miễn dịch được biến đổi gen nhắm mục tiêu tiêu diệt thành công các tế bào ung thư đặc biệt (các tế bào này có thể là nguyên nhân gây tái phát bệnh bạch cầu cấp dòng tủy AML, một loại ung thư máu) và hiệu quả đã chứng minh trên các mô hình động vật mắc bệnh. Liệu pháp tế bào mới, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, cuối cùng có thể giúp bệnh nhân AML khỏi bệnh.
Trong nghiên cứu được công bố ngày 28 tháng 4 trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một cách tiếp cận trong đó các tế bào miễn dịch được biết như tế bào T được điều chỉnh để sản xuất protein gọi là thụ thể kháng nguyên khảm (chimeric), hoặc CARs, cho phép tế bào T nhận ra các marker chuyên biệt trên tế bào ung thư. Trong trường hợp này, CAR là một thụ thể liên kết với phân tử CD123 trên các tế bào gốc của bệnh bạch cầu, tạo điều kiện cho các tế bào T tìm ra và tấn công các tế bào ung thư.
Tiến sĩ Monica L. Guzman, đồng tác giả, phó giáo sư dược học tại Khoa Huyết học & Y học Ung thư và một thành viên của Trung tâm Ung thư Sandra and Edward Meyer tại Weill Cornell Medicine, cho biết: “Tế bào gốc bệnh bạch cầu là một tập hợp con của các tế bào bạch cầu có khả năng kháng lại các loại thuốc hóa trị liệu tiêu chuẩn và có thể gây tái phát bệnh. CD123 là một marker được tìm thấy trên tế bào gốc bệnh bạch cầu và phòng thí nghiệm của tôi đang nghiên cứu thiết kế mô hình chuột để thử nghiệm các liệu pháp điều trị bệnh bạch cầu nhắm mục tiêu CD123 mới.”
Mặc dù có những liệu pháp hiệu quả để điều trị AML, bệnh cuối cùng vẫn tái phát ở hầu hết bệnh nhân ngay cả khi đã thuyên giảm hoàn toàn. Bằng cách thiết kế các tế bào T để biểu hiện CAR nhắm mục tiêu CD123, Tiến sĩ Guzman và các đồng nghiệp của bà hy vọng loại bỏ bất kỳ tế bào gốc ung thư bạch cầu nào còn sót lại của bệnh nhân. Tế bào CAR T là một liệu pháp chống ung thư hấp dẫn vì chúng có thể được nuôi cấy với số lượng lớn trong phòng thí nghiệm.
Tiến sĩ Guzman cho biết: “Tế bào CAR T – được gọi là tế bào UCART123 – được sử dụng trong nghiên cứu này có một số tính năng rất quan trọng. Chúng nhắm mục tiêu vào một marker tế bào gốc bệnh bạch cầu, chúng có nguồn gốc từ những người hiến tặng khỏe mạnh và được sản xuất để ‘bán sẵn’ và sẵn sàng mang đến cho bệnh nhân khi cần thiết. Chúng được thiết kế đặc biệt để cố gắng giảm thiểu độc tính và chúng có thể được loại bỏ, sử dụng một loại thuốc gọi là rituximab trong trường hợp tăng sinh quá mức.”
Khi nhóm nghiên cứu thử nghiệm các tế bào UCART123 trên mô hình chuột AML, họ nhận thấy rằng liệu pháp này loại bỏ hiệu quả các tế bào ung thư bạch cầu và kéo dài thời gian sống sót. Các nhà khoa học cũng thiết kế một chiến lược giám sát siêu nhạy để phát hiện bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại và đánh giá sự tồn tại của các tế bào UCART123. Cuối cùng, họ đã chứng minh rằng các tế bào UCART123 có tính đặc hiệu chống lại các tế bào bệnh bạch cầu, với độc tính tối thiểu đối với các tế bào máu bình thường ở chuột.
Các kết quả tiền lâm sàng đã dẫn đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đánh giá UCART123 ở bệnh nhân AML tái phát/ khó chữa tại một số cơ sở trên khắp Hoa Kỳ, bao gồm Trung tâm NewYork-Presbyterian/ Weill Cornell Medical. Điều tra viên chính của thử nghiệm và cũng là đồng tác giả cao cấp, Tiến sĩ Gail Roboz, giám đốc Chương trình Lâm sàng và Cấy ghép bệnh bạch cầu tại Weill Cornell Medicine và là một bác sĩ ung thư tại Trung tâm NewYork-Presbyterian/ Weill Cornell Medical cho biết: “Những dữ liệu trong phòng thí nghiệm này hỗ trợ mạnh mẽ cho thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra.”
Tiến sĩ Roboz, giáo sư y khoa tại Khoa Huyết học & Y học Ung thư và là thành viên của Trung tâm Ung thư Meyer tại Weill Cornell Medicine, cho biết: “Các kết quả của nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy rằng các tế bào UCART123 có tính chọn lọc cao và đặc hiệu trong việc nhắm mục tiêu AML, và chúng tôi dự đoán rằng các kỹ thuật được phát triển trong phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Guzman sẽ giúp chúng tôi theo dõi bệnh nhân đang điều trị với UCART123 và tối ưu hóa khả năng thành công của họ.”
Tài liệu tham khảo:
Mayumi Sugita, Roman Galetto, Hongliang Zong, Nathan Ewing-Crystal, Vicenta Trujillo-Alonso, Nuria Mencia-Trinchant, Winnie Yip, Stephanie Filipe, Celine Lebuhotel, Agnès Gouble, Duane C. Hassane, Julianne Smith, Gail J. Roboz, Monica L. Guzman. Allogeneic TCRαβ deficient CAR T-cells targeting CD123 in acute myeloid leukemia. Nature Communications, 2022; 13 (1) DOI: 10.1038/s41467-022-29668-9
Nguồn: Weill Cornell Medicine