Liệu pháp tế bào gốc mới mang lại hy vọng cho trẻ em mắc bệnh tim hiếm gặp

Nội Dung Bài Viết

Science Daily, 12/01/2021

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Đại học Okayama đã phân lập các tế bào gốc tim và đánh giá tiềm năng sử dụng chúng như một liệu pháp tái tạo ở những bệnh nhân trẻ bị khiếm khuyết tim. Họ đã xác nhận về độ an toàn và hiệu quả của phương pháp điều trị được đề xuất trong các thử nghiệm ở giai đoạn đầu và thậm chí xác định cơ chế mà qua đó các tế bào gốc cải thiện chức năng tim. Dựa trên những phát hiện sơ bộ này, họ hy vọng sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn và tiến tới đăng ký phê duyệt dược phẩm trong tương lai.

Bệnh cơ tim giãn nở (DCM) là một bệnh gây ra bởi sự suy yếu của cơ tim, ảnh hưởng đến tâm thất (các ngăn trong tim đẩy máu đi khắp cơ thể khi nó co lại). Nếu để tiến triển mà không được kiểm soát, DCM có thể dẫn đến suy tim và tử vong, đặc biệt là ở trẻ em. Hiện tại, cách chữa bệnh duy nhất là ghép tim, đi kèm với những thách thức riêng như: mất nhiều thời gian để tìm được tim hiến tặng phù hợp, khả năng bị thải ghép, thời gian nằm viện và thời gian hồi phục kéo dài.

Trong những thập kỷ gần đây, tế bào gốc đã trở thành nền tảng của y học tái tạo, cho phép các chuyên gia y tế điều trị các cơ quan bị tổn thương và đảo ngược tiến trình của một số bệnh mà trước đây được coi là không thể chữa khỏi. Các nhà khoa học đã chuyển sang nghiên cứu “tế bào có nguồn gốc từ tim” (CDCs), một loại tế bào gốc tim được biết là có tác dụng hữu ích ở người lớn mắc các bệnh tim cụ thể. Bằng cách phát triển (“biệt hóa”) thành mô tim, CDCs có thể đảo ngược thiệt hại do bệnh tật gây ra. Tuy nhiên, rất ít người biết về độ an toàn và hiệu quả điều trị của chúng ở trẻ em.

Để giải quyết vấn đề này, Giáo sư Hidemasa Oh đã dẫn đầu một nhóm các nhà khoa học liên khoa tại Đại học Okayama (Nhật Bản) khởi động các bước đầu tiên để đánh giá liệu pháp này ở trẻ em mắc chứng DCM. Trong một nghiên cứu được công bố trên Science Translational Medicine, nhóm nghiên cứu không chỉ cho thấy hiệu quả của CDCs trong việc bổ sung các mô bị tổn thương trong DCM mà còn tiết lộ cách thức điều này xảy ra. Giáo sư Oh giải thích về động lực, “Tôi đã làm việc với liệu pháp tái tạo tim từ năm 2001. Trong nghiên cứu này, tôi và nhóm của tôi đã đánh giá độ an toàn và hiệu quả của việc sử dụng CDCs để điều trị DCM ở trẻ em.”

Bước đầu tiên của bất kỳ thử nghiệm nào khi kiểm tra một loại thuốc mới hoặc liệu pháp mới là sử dụng các mô hình động vật có phản ứng tương tự như con người, điều này cho chúng ta thấy liệu phương pháp điều trị có an toàn và có hiệu quả như mong muốn hay không. Do đó, để bắt đầu, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp này trên lợn, gây ra các triệu chứng về tim tương tự như DCM và điều trị chúng bằng các liều CDCs khác nhau hoặc giả dược. Ở nhóm được điều trị bằng tế bào gốc, các nhà khoa học nhận thấy những cải thiện nhanh chóng về chức năng tim. Cơ tim dày lên, cho phép lượng máu được bơm đi khắp cơ thể nhiều hơn. Hiệu quả này đã đảo ngược những tổn thương gây ra trong tim lợn, một kết quả đáng khích lệ khiến họ tiến tới các thử nghiệm nhỏ có đối chứng trên người.

Thử nghiệm giai đoạn 1 của họ liên quan đến năm bệnh nhân trẻ tuổi bị DCM. Các nhà khoa học hiện đã có ý tưởng tốt hơn về liều lượng CDC thích hợp để cung cấp cho các bệnh nhân nhỏ tuổi của họ, nhờ vào các thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật. Một năm sau khi tiêm, các bệnh nhân không có dấu hiệu của tác dụng phụ nghiêm trọng từ việc điều trị, nhưng quan trọng nhất là có những dấu hiệu đáng mừng về chức năng tim được cải thiện. Các tác giả lưu ý: dựa trên nghiên cứu quy mô nhỏ của họ, họ không thể đưa ra một kết luận chắc chắn. Tuy nhiên, họ hài lòng rằng phương pháp điều trị CDC có vẻ đủ an toàn và hiệu quả để tiến tới một thử nghiệm lâm sàng lớn hơn. Như Giáo sư Oh giải thích, “Chúng tôi dự định chuyển những kết quả này vào một thử nghiệm ngẫu nhiên giai đoạn 2 để liệu pháp này được phê duyệt sử dụng ở Nhật Bản.”

Một phát hiện quan trọng khác là cơ chế mà CDCs thực sự dẫn đến việc cải thiện chức năng tim. Thật vậy, các phân tích của họ cho thấy rằng các tế bào được cấy ghép tiết ra các túi nhỏ gọi là “exosomes”, được làm giàu với các protein được gọi là “microRNAs”, chúng khởi động toàn bộ chuỗi các tương tác phân tử. Các exosomes được làm giàu microRNA này có hai tác dụng. Đầu tiên, nó bất hoạt các tế bào đang bị tổn thương giúp cho mô tim không tổn thương thêm. Thứ hai, nó cảm ứng sự biệt hóa của các tế bào gốc thành các tế bào cơ tim có chức năng đầy đủ và bắt đầu quá trình tái tạo. Điều này tạo ra hy vọng rằng chỉ tiêm các exosomes này có thể đủ để đảo ngược loại tổn thương tim này ở bệnh nhân, bỏ qua nhu cầu về CDCs ngay từ đầu.

Nhìn lại nghiên cứu của họ, các nhà khoa học hy vọng rằng một thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ xác minh những nghi ngờ của họ và điều này có thể có ý nghĩa gì đối với những bệnh nhân trong tương lai. Những bệnh nhân ghép tạng có triển vọng đôi khi phải đợi hàng năm trời mới có một quả tim hiến tặng. Loại liệu pháp này có thể cho phép họ sống một cuộc sống tương đối bình thường, và thậm chí ngăn chặn hoàn toàn nhu cầu cấy ghép ở những bệnh nhân chưa đến giai đoạn quan trọng.

 

Tài liệu tham khảo:

Kenta Hirai, Daiki Ousaka, Yosuke Fukushima, Maiko Kondo, Takahiro Eitoku, Yusuke Shigemitsu, Mayuko Hara, Kenji Baba, Tatsuo Iwasaki, Shingo Kasahara, Shinichi Ohtsuki, Hidemasa Oh. Cardiosphere-derived exosomal microRNAs for myocardial repair in pediatric dilated cardiomyopathyScience Translational Medicine, 2020; 12 (573): eabb3336 DOI: 10.1126/scitranslmed.abb3336

 

Nguồn: Okayama University

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài Viết Liên Quan