Một liệu pháp gen thử nghiệm nhằm đảo ngược bệnh sinh của bệnh hồng cầu hình liềm trong những năm qua

Nội Dung Bài Viết

Science Daily13/12/2021

Liệu pháp gen thử nghiệm trên bệnh hồng cầu hình liềm đã khôi phục các tế bào máu trở về hình dạng bình thường của chúng và hạn chế những cơn đau dữ dội trong nhiều năm sau điều trị.

Bốn bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Presbyterian/Columbia – New York đã tham gia vào nghiên cứu đa trung tâm, báo cáo đầu tiên về kết quả dài hạn liệu pháp gen tế bào hình liềm. Nghiên cứu được công bố trực tuyến ngày 12 tháng 12 trên Tạp chí Y học New England do John F. Tisdale, bác sĩ, điều tra viên cấp cao tại Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia của NIH, đồng thời cũng là đồng tác giả.

Liệu pháp liều đơn, được thử nghiệm trên 35 bệnh nhân người lớn và thanh thiếu niên mắc bệnh hồng cầu hình liềm, về cơ bản đã thay đổi hình dạng của các tế bào hồng cầu của bệnh nhân, ngoài ra còn loại bỏ hoàn toàn các cơn đau dữ dội, gây ra khi các tế bào hồng cầu hình liềm kết tụ với nhau và làm tắc nghẽn mạch máu. Các cơn đau thường dẫn đến tổn thương cơ quan lan rộng. Những cơn đau như vậy là nguyên nhân thường xuyên của các ca cấp cứu và nhập viện, dẫn đến tử vong sớm.

Markus Y. Mapara, bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư y khoa tại trường Đại học Columbia,  khối đại học Y khoa và phẫu thuật Vagelos, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Bạn không thể phóng đại tác động tiềm tàng của liệu pháp mới này. Những người mắc bệnh hồng cầu hình liềm luôn lo sợ về những cơn đau tiếp theo. Phương pháp điều trị này có thể giúp những người mắc bệnh này quay trở lại cuộc sống bình thường của họ. Chúng tôi hy vọng liệu pháp này cũng sẽ thành công ở những bệnh nhân nhỏ tuổi để họ có thể lớn lên mà không phải trải qua những cơn đau và sống lâu hơn.”

Bệnh hồng cầu hình liềm là do đột biến gen beta-globin, dẫn đến sản sinh ra hemoglobin bất thường, phân tử vận ​​chuyển oxy trong tế bào hồng cầu. Các tế bào hồng cầu bình thường có hình dạng giống như bánh rán, nhưng trong bệnh hồng cầu hình liềm, hemoglobin bất thường khiến các tế bào hồng cầu có hình dạng giống như hình lưỡi liềm. Căn bệnh này ước tính ảnh hưởng đến 100.000 người ở Hoa Kỳ và phổ biến hơn ở những người Mỹ da đen.

Bệnh hồng cầu hình liềm có thể được chữa khỏi bằng cách ghép tủy xương của người hiến tặng nhưng cơ hội thành công tốt nhất là ở những bệnh nhân có anh chị em ruột là người hiến tặng, chỉ chiếm một số ít bệnh nhân. Tuổi thọ trung bình ở bệnh nhân mắc hồng cầu hình liềm là 40 tuổi.

Với liệu pháp gen mới, được gọi là LentiGlobin, các tế bào gốc tạo máu được thu thập từ máu của bệnh nhân. Sau đó, các lentiviruses vô hại được sử dụng để đưa một bản sao đã sửa đổi của gen beta-globin vào tế bào gốc. Khi cấy ghép các tế bào này vào bệnh nhân, chúng sẽ cư trú trong tủy xương và bắt đầu tạo ra các tế bào hồng cầu mới khỏe mạnh.

Trong thử nghiệm lâm sàng, liệu pháp này đã loại bỏ hoàn toàn các cơn đau dữ dội trong những tháng sau khi tiêm truyền (thời gian theo dõi từ 4 đến 38 tháng) – khoảng thời gian dài nhất mà liệu pháp gen cho bệnh hồng cầu hình liềm đã được nghiên cứu.

Mapara, giám đốc của Chương trình Điều trị tế bào và cấy ghép tủy xương tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học NewYork, cho biết: “Các hiệu quả được duy trì trong suốt thời gian thử nghiệm, điều này cho thấy kết quả có thể lâu dài.”

Vì LentiGlobin sử dụng tế bào gốc của chính bệnh nhân nên không có nguy cơ bị đào thải, một biến chứng thường gặp của cấy ghép tủy xương thông thường, Mapara cho biết thêm.

Một hạn chế của liệu pháp gen là trước tiên bệnh nhân phải được điều trị bằng hóa trị liều cao để loại bỏ các tế bào gốc cũ và nhường chỗ cho các tế bào gốc đã được biến đổi, một quá trình được gọi là điều kiện hóa. Hóa trị có thể gây độc và có liên quan đến nguy cơ nhỏ gây ung thư.  Hai bệnh nhân trong cuộc thử nghiệm đã phát triển bệnh bạch cầu, mà các nhà nghiên cứu nghi ngờ có liên quan đến hóa trị, chứ không phải điều trị bằng LentiGlobin.

Các nhà nghiên cứu hiện đang nghiên cứu các phương pháp tiếp cận ít gây độc hơn để điều kiện hóa tủy xương trước khi điều trị bằng liệu pháp gen. Mapara phát biểu “Mục tiêu cuối cùng sẽ là tiến hành phương pháp điều trị này càng sớm càng tốt, trước khi bệnh nhân phát triển tổn thương cơ quan và các biến chứng khác của bệnh hồng cầu hình liềm. Nhưng trước khi chúng tôi có thể làm được điều này, chúng tôi cần tìm một giải pháp thay thế an toàn hơn hóa trị cho các chiến lược điều kiện hóa, chẳng hạn như kháng thể.”

Trung tâm Y tế Irving của Đại học NewYork-Presbyterian / Đại học Columbia là một trong số ít các trung tâm trên thế giới tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp gen đối với bệnh hồng cầu hình liềm. Ngoài ra, các nhà điều tra tại Columbia đang hy vọng xác định các chiến lược để thực hiện các liệu pháp gen cho bệnh hồng cầu hình liềm có thể đạt được về mặt tài chính.

Tài liệu tham khảo:

Julie Kanter, Mark C. Walters, Lakshmanan Krishnamurti, Markus Y. Mapara, Janet L. Kwiatkowski, StaceyRifkin-Zenenberg, Banu Aygun, Kimberly A. Kasow, Francis J. Pierciey, Melissa Bonner, Alex Miller, XinyanZhang, Jessie Lynch, Dennis Kim, Jean-Antoine Ribeil, Mohammed Asmal, Sunita Goyal, Alexis A. Thompson,John F. Tisdale. Biologic and Clinical Efficacy of LentiGlobin for Sickle Cell DiseaseNew England Journal of Medicine, 2021; DOI: 10.1056/NEJMoa2117175

Nguồn: Trung tâm Y tế Irving của Đại học Columbia

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài Viết Liên Quan