Parent’s Guide to Cord Blood, 03/2022
Jonas Wang, PhD, & Bill Williams
StemCyte vui mừng thông báo về sự hồi phục đáng kể của một bệnh nhân bị liệt một bên cơ thể do hậu quả của một cơn đột quỵ. Bệnh nhân này được truyền một đơn vị máu cuống rốn phù hợp từ ngân hàng công StemCyte. Trong vòng một năm, anh đã hồi phục đầy đủ chức năng vận động và hình ảnh não bộ của anh cho thấy vùng phù nề do đột quỵ đã biến mất. Bài báo về trường hợp này đã được đăng trên tạp chí khoa học đã được bình duyệt CELL TRANSPLANTATION vào ngày 23 tháng 12 năm 2021.
Đột quỵ cấp tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 và là nguyên nhân gây tàn tật đứng hàng thứ 3 trên toàn thế giới1. Hơn 15 triệu người bị đột quỵ hàng năm. Khoảng 30% – 35% số bệnh nhân này tử vong và gần 75% số người sống sót bị thương tật vĩnh viễn. Ở bệnh đột quỵ do thiếu máu cục bộ, một mạch máu trong não bị tắc nghẽn. Phương pháp điều trị đột quỵ do thiếu máu não tốt nhất hiện nay là truyền thuốc làm tan huyết khối để phá cục máu đông và tăng lượng máu lên não. Tuy nhiên, sự can thiệp này phụ thuộc nhiều vào thời gian: cứ mỗi phút mà việc điều trị bị trì hoãn, 2 triệu tế bào thần kinh sẽ chết trong não của bệnh nhân2. Tại Hoa Kỳ, khoảng thời gian tối ưu để can thiệp đột quỵ được mệnh danh là “Giờ vàng” sau khi khởi phát đột quỵ.
StemCyte đã đăng ký một thử nghiệm lâm sàng NCT02433509 với sự hợp tác của các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Tzu Chi Đài Loan, được thiết kế để kiểm tra khả năng truyền máu cuống rốn giúp bệnh nhân đột quỵ. Mặc dù thử nghiệm được đăng ký lần đầu tiên vào năm 2015, rất khó để thu nhận bệnh nhân vì yêu cầu họ phải tìm ra những bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ đã bỏ lỡ cơ hội sử dụng thuốc chống đông máu. Mục tiêu của các nhà nghiên cứu là đo lường tác động của việc chỉ truyền máu cuống rốn mà không có can thiệp điều trị đột quỵ nào khác trong cơ thể bệnh nhân.
Vào tháng 6 năm 2019, một bệnh nhân nam 46 tuổi đến bệnh viện vì đột quỵ đã bắt đầu trước đó hai giờ. Bệnh nhân này có tiền sử cao huyết áp mãn tính và đã phải chạy thận nhân tạo vì bệnh thận giai đoạn cuối từ năm 2011. Các bác sĩ nhận ra rằng anh ấy là ứng cử viên cho nghiên cứu máu cuống rốn và ngay lập tức chụp hình ảnh MRI não của anh ấy. Bệnh nhân này đã đồng ý tham gia vào nghiên cứu và yêu cầu được gửi tới StemCyte để tìm đơn vị máu cuống rốn hiến tặng phù hợp với bệnh nhân.
Một số thử nghiệm lâm sàng ở nhiều quốc gia hiện đang thử nghiệm việc sử dụng tế bào gốc máu làm liệu pháp điều trị đột quỵ3. Tế bào gốc máu cuống rốn có một số ưu điểm so với các sản phẩm phải được phân lập từ máu của bệnh nhân hoặc từ người trưởng thành hiến tặng. Có những lợi ích thiết thực rõ ràng là các sản phẩm máu cuống rốn đã được lưu trữ sẵn, mà không cần phải tìm người hiến, thu thập tế bào từ người hiến và sàng lọc bệnh tật. Ngoài ra, các sản phẩm từ máu cuống rốn ít có khả năng gây ra phản ứng thải ghép với cơ thể chủ hơn nhiều so với các tế bào máu từ người hiến tặng trưởng thành. Hơn nữa, các tác giả của nghiên cứu StemCyte đưa ra bằng chứng cho thấy máu cuống rốn được bảo quản đông lạnh giàu các protein kháng viêm hơn đáng kể so với máu người trưởng thành giúp các tế bào giao tiếp với nhau và giàu yếu tố tăng trưởng tế bào hơn đáng kể1. Cụ thể, máu cuống rốn có tương đối nhiều hơn các cytokine kháng viêm interleukin (IL)-10, cũng như các yếu tố tăng trưởng: epidermal growth factor (EGF), vascular endothelial growth factor (VEGF), và granulocyte-macrophage colony-stimulating factor (GM-CSF)1.
Vào tháng 6 năm 2019, StemCyte đã tìm thấy một đơn vị máu cuống rốn phù hợp 6 trên 6 loại HLA với bệnh nhân đột quỵ 46 tuổi. Máu cuống rốn đến từ một đứa trẻ sinh ra ở Đài Loan vào tháng 7 năm 2002, 17 năm trước đó! Máu cuống rốn đã được xử lý bằng phương pháp gạn lắng huyết tương và có tổng số tế bào đơn nhân là 263 triệu. Đơn vị máu này được kiểm tra, vận chuyển, rã đông và truyền cho bệnh nhân vào ngày thứ 8 sau khi bệnh nhận bị đột quỵ. Ngoài ra, bệnh nhân được truyền 4 lần mannitol 100mL, bắt đầu nửa giờ sau khi nhận máu cuống rốn và cứ sau 4 giờ một lần. Mannitol là thuốc lợi tiểu thường được dùng cho bệnh nhân chấn thương sọ não, để giảm áp lực nội sọ. Tuy nhiên, một mình mannitol không phải là liệu pháp điều trị chấn thương não vì nó không được chứng minh là có thể cải thiện kết quả lâu dài4.
Những hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) não dưới đây của bệnh nhân đột quỵ được chụp (A) 2 giờ sau đột quỵ, (B) 1 ngày sau khi truyền máu cuống rốn (UCB), (C) 3 tháng sau khi truyền UCB, và (D) 6 tháng sau khi truyền UCB. Những hình ảnh MRI này được thực hiện với kỹ thuật chụp cộng hưởng từ khuếch tán (DWI), DWJ là một kỹ thuật làm nổi bật tình trạng phù nề não và có thể phát hiện chính xác đột quỵ do thiếu máu cục bộ trong vòng vài phút sau khi khởi phát5. Hình ảnh cho thấy rõ ràng rằng phù nề ở thùy não phải của bệnh nhân đã biến mất trong vòng 6 tháng sau khi truyền máu cuống rốn.
Thử nghiệm thực sự về mức độ hiệu quả của một liệu pháp điều trị đột quỵ là khi bệnh nhân lấy lại các kỹ năng đã bị suy giảm. Trong trường hợp này, bệnh nhân bị liệt nửa người bên trái do nhồi máu não bên phải. Bệnh nhân bắt đầu vận động trở lại sau khi được truyền máu cuống rốn, đến tháng thứ 3 thì có thể đi lại với sự trợ giúp hạn chế. Bệnh nhân được theo dõi trong một năm sau khi điều trị bằng máu cuống rốn. Trong thời gian này, điểm của anh ấy trên Thang điểm đột quỵ NIH (NIHSS) giảm từ 9 xuống 1, điểm trên Thang Berg Balance tăng từ 0 lên 48; và chỉ số Barthel cho điểm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày tăng từ 0 lên 90 trong một năm theo dõi. Kết thúc thời gian quan sát, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn các chức năng vận động và có thể sống độc lập.
Trong khi hầu hết bệnh nhân đột quỵ đều bị tàn tật vĩnh viễn, đặc biệt là nếu họ không được điều trị trong “Giờ vàng” sau đột quỵ, thì bệnh nhân này đã hồi phục hoàn toàn sau một lần truyền máu cuống rốn đơn giản vào ngày thứ 8 sau đột quỵ. Điều này có thể mở ra một khung cảnh hy vọng mới cho các bệnh nhân đột quỵ trên toàn thế giới. Bài báo về trường hợp này cũng chứng minh giá trị tiềm năng của việc hiến máu cuống rốn tại các ngân hàng công, thậm chí là các mẫu hiến tặng từ nhiều thập kỷ trước. Trong khi hiến máu cuống rốn từ lâu đã được coi là một liệu pháp cứu sống bệnh nhân ung thư máu, chúng thậm chí có thể được ứng dụng rộng rãi hơn như một liệu pháp điều trị cho bệnh nhân đột quỵ.
Tài liệu tham khảo:
- Lee T-K, Lu C-Y, Tsai S-T, Tseng P-H, Lin Y-C, Lin S-Z, Wang JC, Huang C-Y, ChiuT-L. Complete Restoration of Motor Function in Acute Cerebral Stroke Treated with Allogeneic Human Umbilical Cord Blood Monocytes: Preliminary Results of a phase I Clinical Trial. Cell Transplantation 2021; 30:1-7.
- Saver JL, Smith EE, Fonarow GC, Reeves MJ, Zhao X, Olson DWM, Schwamm LH, and on behalf of the GWTG-Stroke Steering Committee and Investigators. The “Golden Hour” and Acute Brain Ischemia. Stroke 2010; 41(7):1431-1439.
- Verter F. Research on Allogeneic Cord Blood for Stroke. Parent’s Guide to Cord Blood Newsletter Published 2019-09
- Wang K, Sun M, Jiang H, Cao XP, Zeng J. Mannitol cannot reduce the mortality on acute severe traumatic brain injury (TBI) patients: a meta–analyses and systematic review. Burns & Trauma 2015; 3:8.
- GE Healthcare. MRI of the Brain to Diagnose and Monitor Stroke. Website Last updated 2019-01-11
Nguồn: Parent’s Guide to Cord Blood