Nghiên cứu mới cho thấy liệu pháp tế bào gốc “khởi động” quá trình phục hồi não sau đột quỵ

Nội Dung Bài Viết

Medical Express, 18/01/2025

agagagaag

Một nhóm các nhà khoa học—bao gồm Agnieszka Ciesielska (trái), Barbara Klein (giữa) và Jeanne Paz (phải)—đã chứng minh rằng tế bào gốc biến đổi có thể cải thiện hoạt động của não, ngay cả khi được sử dụng hơn một tháng sau cơn đột quỵ. Nguồn: Michael Short/Viện Gladstone

Cứ 40 giây trôi qua, lại có một người ở Hoa Kỳ bị đột quỵ. Những người sống sót sau cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ, chỉ có khoảng 5 phần trăm phục hồi hoàn toàn. Hầu hết những người khác đều để lại di chứng lâu dài như suy nhược, đau mãn tính hoặc động kinh.

Hiện nay, các nhà khoa học tại Viện Gladstone và Công ty y học tái tạo SanBio đã chứng minh rằng liệu pháp tế bào có nguồn gốc từ tế bào gốc có khả năng khôi phục lại các mô hình hoạt động não bình thường sau đột quỵ. Trong khi hầu hết các phương pháp điều trị đột quỵ phải được thực hiện ngay sau khi đột quỵ để đạt được hiệu quả tốt hơn, nhưng liệu pháp tế bào này có hiệu quả ở chuột ngay cả khi được thực hiện sau một tháng.

“Hiện tại không có phương pháp điều trị nào có thể được thực hiện sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng đột quỵ để ngăn ngừa các di chứng lâu dài, vì vậy điều này vô cùng thú vị”, Tiến sĩ Jeanne Paz – nhà nghiên cứu của Gladstone, người đứng đầu nghiên cứu mới được công bố trên Molecular Therapy cho biết “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng thời điểm này không quá muộn để can thiệp và tạo ra sự khác biệt”.

Các tế bào gốc biến đổi được sử dụng trong nghiên cứu đã được phát triển trên lâm sàng trong hơn một thập kỷ để điều trị đột quỵ và chấn thương sọ não. Các thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng, ở một số bệnh nhân, các tế bào gốc có thể giúp họ lấy lại khả năng kiểm soát cánh tay và chân của họ. Tuy nhiên, các nhà khoa học không chắc chắn những thay đổi nào trong não góp phần vào những cải thiện về các triệu chứng này.

Nghiên cứu mới là nghiên cứu đầu tiên trình bày chi tiết về tác động của tế bào gốc lên hoạt động của não. Nghiên cứu này có thể dẫn đến những cải tiến đối với liệu pháp tế bào gốc và góp phần vào sự phát triển của các phương pháp điều trị khác có tác động tương tự lên não.

Nhắm mục tiêu vào tình trạng tăng kích thích não

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu đến một phần não bị chặn, thường là do cục máu đông hoặc hẹp mạch máu. Điều này làm mất oxy và chất dinh dưỡng của tế bào não, khiến một số tế bào chết và một số khác thay đổi hoạt động của chúng. Paz đã nghiên cứu từ lâu về những thay đổi của não do đột quỵ và dẫn đến các vấn đề lâu dài như động kinh. Bà và những người khác đã phát hiện ra rằng các tế bào ở vùng não bị tổn thương có thể hoạt động quá mức hoặc tăng kích thích, gửi tín hiệu quá mạnh hoặc quá thường xuyên đến các vùng não khác.

Paz, cũng là Phó Giáo sư tại Khoa Thần kinh tại UC San Francisco và là thành viên của Liên đoàn Động kinh Sau đột quỵ Quốc tế, một tổ chức nhằm mục đích đẩy nhanh các nghiên cứu để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh động kinh sau đột quỵ, cho biết “Tình trạng tăng kích thích này có liên quan đến các vấn đề về vận động và co giật, nhưng chưa có liệu pháp nào được phát triển để đảo ngược tình trạng này một cách hiệu quả”

Các điểm nổi bật

Trong nghiên cứu mới, Paz và các cộng sự đã thử nghiệm liệu pháp tế bào gốc đang được SanBio phát triển. Một tháng sau khi chuột bị đột quỵ, các nhà khoa học đã tiêm tế bào gốc của người đã biến đổi vào não gần vị trí bị thương của những con vật này. Trong những tuần tiếp theo, họ đo hoạt động điện trong não và cũng phân tích từng tế bào và phân tử.

Họ phát hiện ra rằng phương pháp điều trị này đã đảo ngược tình trạng tăng kích thích não ở những con chuột bị đột quỵ, khôi phục sự cân bằng trong mạng lưới thần kinh. Ngoài ra, một số protein và tế bào quan trọng đối với chức năng và quá trình phục hồi của não đã tăng lên.

Mặc dù chỉ còn chưa đến một phần trăm tế bào trong não của những con chuột sau một tuần cấy ghép, nhưng hiệu ứng của ca cấy ghép lại kéo dài. Tiến sĩ Barbara Klein, một nhà khoa học chính tại SanBio và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: “Có vẻ như những tế bào này về cơ bản đang khởi động quá trình phục hồi của não. Điều này có thể mở ra một cơ hội mới để não phục hồi, ngay cả trong giai đoạn mãn tính sau đột quỵ”.

Các nhà khoa học cũng phân tích mẫu máu từ những con chuột có và không có liệu pháp tế bào gốc. Thông qua đó, họ xác định được sự kết hợp cụ thể của từng phân tử trong máu – như nhiều phân tử liên quan đến tình trạng viêm và sức khỏe não – não thay đổi sau một cơn đột quỵ nhưng đã được phục hồi bình thường nhờ liệu pháp này.

“Những tác động này quá ấn tượng đến nỗi chúng tôi đã lặp lại các thí nghiệm nhiều lần vì chúng tôi thực sự không thể tin vào chúng”, Paz nói. “Thật không thể tin được là bạn có thể tiêm thứ gì đó vào não có thể tồn tại trong thời gian ngắn và vẫn có tác dụng lâu dài – không chỉ đối với tình trạng tăng kích thích não mà còn đối với các bộ phận khác của cơ thể”.

Định hình các phương pháp điều trị trong tương lai

Các nhà nghiên cứu cho biết bài học thú vị nhất từ ​​nghiên cứu mới này là ngay cả một tháng sau cơn đột quỵ, phương pháp điều trị vẫn có khả năng phục hồi kích thích bình thường ở não.

Tiến sĩ Agnieszka Ciesielska, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại phòng thí nghiệm của Paz tại Gladstone, một tác giả khác của nghiên cứu này, cho biết “Điều này mang đến hy vọng về việc điều trị cho những bệnh nhân bị chấn thương não mãn tính, những người cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ lựa chọn điều trị nào”.

Tuy nhiên, cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh rằng tình trạng tăng, giảm kích thích do tế bào gốc gây ra cuối cùng sẽ dẫn đến giảm các triệu chứng ở bệnh nhân. Nếu đúng như vậy, các phương pháp điều trị bổ sung có thể được phát triển để làm dịu các tế bào thần kinh hoạt động quá mức. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng cuối cùng sẽ hiểu rõ, chính xác hơn về cách mà tế bào gốc cải thiện chức năng não. Nếu họ có thể xác định được một vài phân tử đóng vai trò quan trọng, họ có thể phát triển các loại thuốc phân tử nhỏ mô phỏng tác dụng của tế bào gốc.

Các tế bào được sử dụng trong nghiên cứu, được gọi là tế bào SB623, đã được SanBio phát triển để điều trị các khiếm khuyết vận động thần kinh mãn tính thứ phát sau đột quỵ và chấn thương sọ não. Phương pháp điều trị này gần đây đã được chấp thuận tại Nhật Bản để cải thiện tình trạng liệt vận động mãn tính sau chấn thương sọ não. SanBio cũng đang theo đuổi việc mở rộng chỉ định và tìm kiếm sự chấp thuận từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ.

Tài liệu tham khảo

Barbara Klein et al, Modified human mesenchymal stromal/stem cells restore cortical excitability after focal ischemic stroke in rats, Molecular Therapy (2024). DOI: 10.1016/j.ymthe.2024.12.006

Nguồn: Medical Express

Link:  https://medicalxpress.com/news/2025-01-stem-cell-therapy-brain.html#google_vignette

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài Viết Liên Quan